Giỏ hàng

Không có sản phẩm trong giỏ hàng.

Những phong tục ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam

Tết Nguyên Đán được coi là dịp lễ quan trọng nhất ở nước ta, mang ý nghĩa nhân văn và nguồn cội sâu sắc. Vậy, nguồn gốc của Tết là từ đâu? Phong tục ngày Tết như thế nào?

Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất của người Việt Nam, mang ý nghĩa nhân văn và nguồn cội sâu sắc. Đây chính là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, với nhiều hoạt động ý nghĩa để tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới. Vậy, nguồn gốc của Tết là từ đâu? Phong tục ngày Tết như thế nào? Hãy cùng Trà Việt tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Tết Nguyên Đán là gì?

Tết Nguyên Đán (hay Tết âm lịch, Tết ta, Tết cổ truyền) là dịp lễ quan trọng và ý nghĩa nhất của người dân Việt Nam, diễn ra vào đầu năm âm lịch. Đây là thời khắc đánh dấu kết thúc năm cũ, và chào đón một năm mới đến.

Nếu đọc đúng phiên âm, dịp lễ này phải gọi là “Tiết Nguyên Đán”. Bởi nguyên nghĩa của chữ “Tết” là “Tiết”, còn theo phiên âm chữ Hán – Việt thì “Nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu, “Đán” là buổi sáng sớm.

Tết Nguyên Đán được tính vào ngày đầu tiên của năm âm lịch, do quy luật 3 năm nhuận một tháng nên sẽ muộn hơn Tết Dương lịch khoảng 1 đến 2 tháng. Thời gian diễn ra Tết Nguyên Đán thường rơi vào khoảng ngày 21/1 đến 19/2 dương lịch.

Tại Việt Nam, Tết được bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp, là ngày tiễn Ông Công, Ông Táo về trời, đến ngày 7 tháng giêng. Người dân sẽ bắt đầu sắm sửa Tết trong khoảng 7 ngày cuối năm cũ, nghỉ ngơi “chơi” Tết trong 7 ngày đầu năm mới.

Tết nguyên đán là dịp lễ hội quan trọng nhất của người Việt
Tết nguyên đán là dịp lễ hội quan trọng nhất của người Việt. (Ảnh sưu tầm)

Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán có nguồn gốc như thế nào đến nay vẫn còn là vấn đề đang được tranh cãi.

Hầu hết thông tin đều cho rằng ngày Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập về Việt Nam trong 1000 năm Bắc thuộc. Nhưng theo sự tích “Bánh chưng bánh dày” thì người Việt đã ăn Tết từ thời vua Hùng, tức là trước cả khoảng thời gian 1000 năm Bắc thuộc. Trong cuốn “Kinh Lễ”, Khổng Tử cũng đã viết rằng: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó.” 

Dù có nguồn gốc từ đâu, thì ngày tết đối với mỗi người Việt Nam vẫn là những ngày linh thiêng và ý nghĩa. Có rất nhiều phong tục ngày tết đã được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, bồi đắp thêm những giá trị tinh thần cho dân tộc Việt.

Tết nguyên đán
Tết nguyên đán mang nhiều ý nghĩa với người Việt. (Ảnh sưu tầm)

Ý nghĩa của ngày Tết với người Việt Nam

Với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa, và kết nối giá trị của gia đình.

Xét về mặt tâm linh, Tết là dịp để con người tỏ lòng biết ơn với các vị thần linh, thượng đế đã ban phước cho họ trong suốt một năm qua. Nên ngày tết, mọi người thường dành ra những thời khắc quan trọng để cảm tạ các đấng bậc bề trên và xin cho một năm mới mưa thuận gió hoà, mọi việc hanh thông.

Ngày Tết cũng là ngày để các giá trị gia đình được tôn vinh. Những thành viên trong gia đình, dù là có đi làm ăn xa hay cả năm tất bật với công việc, thì đến ngày tết cũng cố gắng thu xếp dể về quây quần bên gia đình. Những công việc chung sẽ được tất cả mọi thành viên tham gia một cách hào hứng.  Mọi nhà đều dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa cho thật đẹp, và chuẩn bị những bao lì xì may mắn.

Tết là dịp để con cháu quây quần bên ông bà, cha mẹ, thăm viếng tổ tiên, và cùng nhau trải qua những ngày tết với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Nhà cửa được trang hoàng dịp tết nguyên đán
Nhà cửa được trang hoàng dịp tết nguyên đán

Những phong tục ngày tết ở Việt Nam 

Việt Nam là một đất nước có nền văn hiến lâu đời. Việc đón năm mới trước đây được quy định rất rõ ràng với rất nhiều hoạt động. Tuy nhiên, khi xã hội càng phát triển, thì một số những quy ước về tết cũng được giản lược hoặc bỏ bớt đi. Nhưng có những phong tục ngày Tết rất ý nghĩa vẫn được tiếp tục duy trì và truyền lại cho các thế hệ sau.Dưới đây là một số những phong tục ngày tết ý nghĩa ở Việt Nam.

1. Phong tục ngày tết: Cúng Ông Công, Ông Táo

Ngày cúng ông Công, ông Táo là ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Vào ngày này mọi gia đình Việt sẽ dọn dẹp bếp sạch sẽ, mua cá vàng, quần áo, tiền vàng về cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời để báo cáo mọi việc với của gia chủ trong suốt 1 năm qua với Ngọc Hoàng. Đặc biệt, cá vàng sau khi cúng xong thì sẽ được phóng sinh đem thả ra sông, ra suối.Ngày 23 tháng Chạp cũng là ngày bắt đầu đánh dấu Tết đã bắt đầu. Các hoạt động nhộn nhịp để chuẩn bị cho tết sẽ bắt đầu từ ngày này.

Mâm cúng ông công ông táo
Mâm cúng ông công ông táo. (Ảnh sưu tầm)

2. Phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Bánh chưng là món ăn truyền thống đã có từ thời vua Hùng và là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm những ngày Tết của người Việt cho tới ngày nay. Vì thế gói bánh chưng được coi là một phong tục ngày tết vô cùng nhân văn và ý nghĩa.  Bánh chưng thường được các gia đình sắp sửa và gói từ ngày 27, 28, 29 Tết.

Tùy từng địa phương mà hình dạng chiếc bánh chưng cũng mang hình hài khác nhau, song phổ biến nhất vẫn là bánh chưng vuông (phổ biến ở miền Bắc) và bánh tét (phổ biến ở miền Nam). 

Việc gói bánh chưng, cũng như việc sửa soạn các món ăn truyền thống trong ngày tết, ngoài việc tạo ra món ăn ngon, thì ý nghĩa nhất có lẽ nó là sợi dây gắn kết mọi thành viên trong gia đình. Cả nhà, từ ông bà cho đến các em bé nhỏ đều có thể tham gia vào, tuỳ theo khả năng của mỗi người. Những khoảnh khắc vui vẻ khi cả nhà cùng làm chung một việc sẽ là những kí ức đẹp, theo mỗi con người trong suốt những năm tháng sau này. 

Gói bánh chưng
Gói bánh chưng là một phong tục ngày tết không thể thiếu của người Việt Nam. (Ảnh sưu tầm)

3. Phong tục ngày tết: tặng quà và thăm viếng nhau 

Tặng quà ngày tết là truyền thống tốt đẹp và đặc trưng của nền văn hóa Á Đông nói chung cũng như của người Việt Nam nói riêng. Trong ngày đầu năm mới, con cháu sẽ tề tựu đông đủ tại nhà của ông bà – bố mẹ, để gửi đến những bậc sinh thành những món quà, những lời cảm ơn, lời chúc sức khoẻ, trường thọ, an khang. Ông bà, bố mẹ cũng sẽ chúc lại con cháu những điều tốt đẹp, và trao những bao lì xì may mắn để “mừng tuổi” cho trẻ con.

Việc tặng quà và thăm viếng này cũng được thực hiện với các ông bà, cô dì, chú bác, anh em trong dòng tộc, giúp củng cố thêm tình thân và sự gắn kết trong dòng tộc.

Với các mối quan hệ ngoài xã hội, đặc biệt là trong làm ăn kinh doanh, thì việc tặng quà tết và thăm hỏi này thường sẽ được thực hiện trước tết nguyên đán từ 1-2 tuần. Các doanh nghiệp sẽ chuẩn bị những món quà tết thật đẹp và ý nghĩa để tặng cho khách hàng, đối tác, và nhân viên – những người đã gắn bó với doanh nghiệp mình suốt năm qua – thay cho lời cảm ơn chân thành. Những hộp quà tết này thường sẽ được đặt riêng, và thường in logo doanh nghiệp bên trên hộp quà.

Tham khảo: Các mẫu Quà Tết 2025 

Quà tết - Trà Sen Tây Hồ
Những hộp trà quà tặng rất sang trọng của Trà Việt

4. Phong tục Chơi hoa dịp Tết

Theo quan niệm của ông cha ta, Tết mà nhà càng nhiều cây và hoa thì gia đình càng phúc khí dồi dào. Chính vì vậy mà mỗi gia đình khi tết đến thường sẽ chọn mua một hoặc vài loại hoa để trang trí nhà cửa cho thật lộng lẫy. Tuỳ gu thẩm mĩ và sở thích của gia chủ mà có thể chọn những loại cây, hoa rất khác nhau. Theo truyền thống thì hoa mai, hoa đào, hoa cúc vàng, kim quất… sẽ là những loại hoa được trưng nhiều nhất.

Có lẽ bởi thế, những ngày cận Tết người dân lại nô nức sắm đào, mai về trưng trong nhà để đón chào năm mới. Ngoài đào, mai, quất là những cây tượng trưng sự may mắn, thịnh vượng cho gia đình, thì những năm gần đây, có rất nhiều loại hoa đẹp với nhiều ý nghĩa khác nhau được người Việt mua về trưng tết. Điển hình trong số đó phải kể đến là: Lan, ly, cúc, thủy tiên… Những loại hoa này đều mang phúc khí và tạo cho ngôi nhà sức xuân ấm áp những ngày đầu xuân mới.

Ngày nay, nhiều gia đình trẻ và những người cá tính thường chọn những loại cây cỏ hoang dã nhưng có dáng đẹp để trưng trong nhà. Đôi khi chỉ cần đi dạo một vòng quanh vườn nhà hoặc ra khu vực ven suối, ven hồ… là đã có rất nhiều “thành phẩm” để trang trí nhà độc đáo mà lại rất ấn tượng.

Trưng hoa ngày tết để đón phúc lộc vào nhà
Trưng hoa ngày tết để đón phúc lộc vào nhà

5. Trưng mâm ngũ quả

Tùy vào từng vùng miền, cách xếp mâm ngũ quả cũng có sự khác biệt. Nếu miền Bắc, mâm ngũ quả thường được trưng bày theo ngũ hành, miền Trung có gì bày nấy thì miền Nam lại xếp mâm ngũ quả miễn sao tròn đầy. Điều đặc biệt, miền Nam không bao giờ xếp chuối vào mâm quả vì khẩu âm giống từ “chúi” thể hiện sự đi xuống, không may ngày Tết.

Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả là một thành phần không thể thiếu trong mỗi dịp tết. (Ảnh sưu tầm)

6. Lau dọn, trang hoàng nhà cửa đón Tết

Chuẩn bị chào đón năm mới, các gia đình dù bận tới đâu cũng đều cùng nhau dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa thật sạch đẹp và rực rỡ.

Theo quan niệm dân ta, nhà cửa sạch sẽ vừa thể hiện việc quét trôi đi những bụi bẩn, đen đủi của năm cũ đồng thời đón rước những năng lượng mới tích cực hơn vào nhà.

Trang trí nhà ngày tết
Trang trí nhà ngày tết để đón năng lượng tích cực cho năm mới

7. Đi chợ Tết

Đợi chờ cả năm để có một ngày đấy chính là ngày chợ Tết. Khác với ngày thường, chợ tết vô cùng đông vui, nhộn nhịp và được họp từ sáng sớm tới đêm khuya.

Đi chợ Tết không chỉ để sắm sửa thực phẩm, quần áo mới, mua hoa quả trang trí cho gia đình mà còn là dịp để tận hưởng không khí cả năm có một này.

Đi chợ tết
Chợ tết là phiên chợ đông vui, nhộn nhịp nhất trong năm. (Ảnh sưu tầm)

8. Tảo mộ tổ tiên

Những ngày cuối năm hoặc đầu năm mới dù bạn đang theo bất cứ tôn giáo nào thì phong tục thăm viếng mộ tổ tiên cũng không thể bỏ qua.

Đây cũng là dịp con cháu quây quần chăm sóc nơi an nghỉ của cội nguồn như lúc còn sống để đón chào năm mới. Nó còn là phong tục ngày tết phổ biến thể hiện tấm lòng hiếu thảo, kính trọng với các đấng sinh thành đã mất.

9. Phong tục cúng tất niên ngày Tết

Thêm một phong tục ngày tết nữa không thể bỏ qua đấy là cúng tất niên. Bữa cơm tất niên thường là bữa cơm vào chiều 30 tết mọi gia đình Việt đều chuẩn bị một mâm cơm để cúng tổ tiên sau đó cả gia đình đoàn tụ quây quần bên mâm cơm cùng nhau ăn cơm nói chuyện, tâm sự để kết thúc một năm cũ và chào đón năm mới với những điều mới may mắn hơn.

Mâm cơm tất niên được coi là mâm cơm kết thúc năm cũ cũng là mâm cơm đầu tiên năm mới, bởi vậy rất đủ đầy và vui vẻ.

Bữa cơm tất niên
Bữa cơm tất niên, cả gia đình tề tựu bên nhau để ôn lại nhưng chuyện đã qua. (Ảnh sưu tầm)

10. Phong tục đón giao thừa

Giao thừa là thời điểm chuyển giao thiêng liêng giữa năm mới và năm cũ, là thời điểm trời đất giao hòa ý nghĩa. Một mâm cơm cúng lễ giao thừa còn được gọi là lễ trừ tịch với mong muốn loại bỏ hết những điều xấu, đen đủi năm cũ để đón những may mắn, những điều tốt đẹp năm mới.

Thông thường phong tục ngày tết này được diễn ra ngoài trời hoặc tại ban thờ tổ tiên. Sau khi chuyển giao năm mới cả gia đình sẽ cùng nhau quây quần nhìn lại năm cũ và chúc nhau những điều bình an nhất năm mới.

Cúng giao thừa
Cúng giao thừa tại ban thờ tổ tiên, thường được thực hiện bởi người lớn tuổi trong gia đình. (Ảnh sưu tầm)

11. Hái lộc đầu xuân

Hái lộc đầu xuân được coi là nét đẹp truyền thống mang yếu tố tâm linh trong năm mới của người Việt. Phong tục này thường được thực hiện vào đêm giao thừa thời điểm qua 12h đêm hoặc sáng sớm mùng một Tết để cầu mong rước may mắn, lộc lá vào nhà.

Trước đây, theo truyền thống thì việc hái lộc là hái những chồi non (lộc) của cây ở chùa ngay sau giao thừa, để mong mang về nhà những may mắn. Nhưng việc hái chồi cây gây ảnh hưởng không tốt đến cây cối và quan cảnh chung, nên thời gian gần đây, “lộc” thường được thay thế bằng những phong bao lì xì, hoặc những thông điệp tuỳ từng tôn giáo.

Hái lộc đầu năm ở một nhà thờ công giáo
Hái lộc đầu năm ở một nhà thờ công giáo. (Ảnh sưu tầm)

12. Phong tục xông đất ngày Tết

Cũng giống như các phong tục ngày tết khác, xông đất cũng là một hình thức mong muốn may mắn đến với gia đình vào dịp năm mới.

Theo quan niệm dân gian, ai là người bước vào nhà gia chủ đầu tiên sau giao thừa kèm lời chúc mừng năm mới thì được coi là người xông đất. Người xông đất thường được gia chủ lựa chọn từ trước. Người này thường người hợp tuổi, hiền lành, vui vẻ, có nếp sống lành mạnh, thành đạt… mang theo lời chúc để năm mới của gia chủ thêm bình an, suôn sẻ.

xông đất cũng là một hình thức mong muốn may mắn đến với gia đình vào dịp năm mới.
Xông đất cũng là một hình thức mong muốn may mắn đến với gia đình vào dịp năm mới. (Ảnh sưu tầm)

13. Phong tục xin chữ ngày Tết

Xin chữ là một phong tục ngày Tết mang nhiều ý nghĩa văn hóa thể hiện tấm lòng tôn kính chữ nghĩa của người Việt cũng là cầu mong một năm mới may mắn, như ý.

Không chỉ những người lớn tuổi mà những năm gần đây giới trẻ cũng rất thích việc xin chữ. Bên cạnh các ông đồ già, cũng xuất hiện nhiều ông đồ trẻ với tài năng viết chữ rất đáng học hỏi.

Tục xin chữ thường diễn ra tại các ngày hội chùa từ mùng 2 trở đi. Ngoài xin chữ thì tục xin câu đối Tết cũng được phổ biến vài năm trở lại đây.

Xin chữ ông đồ
Những chữ được xin nhiều nhất là Đức, Lộc, Phúc, An, Thọ, Phát, Đạt… (Ảnh sưu tầm)

14. Chúc Tết và lì xì đầu năm

“ Mùng 1 tết Cha, mùng 2 tết Mẹ, mùng 3 tết Thầy”, phong tục này là nét đẹp có từ thời xa xưa, không chỉ là truyền thống mà chúc tết còn thể hiện văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết nguyên đán. Bắt đầu từ mùng 1 đến mùng 3 tết, mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau đi chúc Tết họ hàng nội ngoại, bạn bè.

Sau khi chúc tết, những người lớn tuổi sẽ dành những phong bao lì xì may mắn cho con cháu mong các con sẽ có năm mới thành đạt, may mắn. Còn con cháu lì xì ông bà, bố mẹ với mong ước các bậc lão thành sẽ luôn mạnh khỏe sống vui vẻ bên con cháu.

Tiền trong bao lì xì nhiều hay ít không quan trọng mà quan trọng nó ở ý nghĩa và nét văn hóa tốt đẹp này. Lì xì ngày tết tượng trưng cho tài lộc, cho sự may mắn của cả người cho lẫn người nhận.

Mừng tuổi đầu năm
Lì xì là một phong tục ngày tết đẹp của Việt nam ngày Tết

15. Phong tục đi lễ đầu năm

Đi lễ đầu năm được coi là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam trong chuỗi các phong tục ngày Tết. Vào dịp này, mọi người thường cùng nhau đến nhà thờ hoặc chùa để cảm tạ các đấng bề trên và cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc, mưa thuận gió hoà, công việc làm ăn thuận lợi, hanh thông.

Đi lễ đầu năm còn là việc khiến bản thân mình trở nên thanh tịnh hơn, gột rửa những điều cũ, bắt đầu cho một năm mới với những điều may mắn, tốt đẹp.

Đi lễ chùa đầu năm
Đi lễ chùa đầu năm. (Ảnh sưu tầm)

16. Dựng cây nêu

Cây nêu ngày Tết trước đây được dựng ở hầu hết mọi nơi. Thời gian gần đây, cây nêu thường chỉ còn xuất hiện ở một số vùng miền núi cao các dân tộc thiểu số, hoặc một số đơn vị, cơ quan.

Cây nêu là một cây tre có chiều cao khoảng 5 – 6 mét. Ở ngọn thường treo nhiều thứ như  vàng mã, các lá bùa , rượu, cá chép… có thể bằng giấy hay bằng rơm tùy theo từng địa phương.

Mỗi khi gió thổi những vật này va vào nhau tạo nên tiếng kêu rất vui tai. Nó thường dùng để cánh báo ma quỷ rằng nơi đây là nhà đã có chủ, không được phép tới quấy phá… 

Cây nêu thường treo thêm 1 chiếc đèn lồng đỏ. Tối đến gia chủ sẽ thắp sáng đèn lồng để tổ tiên biết đường về nhà với con cháu. Tối giao thừa nhiều nhà còn đốt pháo để mừng năm mới cũng là xua đuổi ma quỷ và những điều không may.

Cây nêu thường được dựng khá sớm từ ngày 23 tháng chạp để tiễn Táo về trời đến hết mùng 7 tháng giêng mới hạ xuống. Dưới xuôi không dựng cây nêu mà thay vào đó là tục để cây mía tại bàn thờ tổ tiên.

Cây nêu ngày tết
Dựng cây nêu là một phong tục ngày tết rất ý nghĩa của người Việt

17. Phong tục kiêng không quét rác ngày tết

Vào dịp Tết cổ truyền, người Việt rất quan tâm đến những điều kiêng kỵ đầu năm. Mong muốn và hy vọng cả năm sẽ luôn gặp điều may mắn, gia đình luôn hạnh phúc, ít xảy ra tranh cãi hay những điều không may. Dân gian quan niệm rằng, 3 ngày Tết không được quét rác bởi gia đình đó sẽ nghèo túng cả năm do đã quét đi lộc đầu năm. Hoặc có thể quét ở trong nhà nhưng không đổ rác đi mà chỉ được để ở góc nhà. 

Kiêng quét nhà ngày tết
Kiêng quét nhà ngày tết để giữ tài lộc trong nhà. (Ảnh sưu tầm)

Trên đây là những phong tục ngày tết phổ biến tại Việt Nam. Những phong tục này góp phần tạo nên một cái Tết thật xôm tụ và hào hứng, góp phần tạo nên những kí ức đẹp cho mọi thế hệ người Việt, dù đang sinh sống ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới. 

Share your love
Mộng Kiều
Mộng Kiều

Nhà vô địch Tea Master Cup Vietnam 2015, đồng sáng lập Trà Việt với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trà. Cô thường xuyên thực hiện các buổi trình diễn Trà Đạo từ nhiều quốc gia như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc tại các sự kiện lớn. Ngoài ra, cô còn tổ chức và hướng dẫn các lớp học pha trà, và đã xuất hiện trên nhiều kênh truyền hình cũng như báo chí trong và ngoài nước.

Bài viết: 48

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.