Ở Việt Nam, bạn có thể tìm thấy nhiều định nghĩa khác nhau về cụm từ “trà xanh”. “Chè xanh” của người miền Bắc chính là “trà xanh” của người miền Nam. Một số người khác vẫn quen gọi matcha của Nhật Bản là “trà xanh”. Vậy, hiểu về “trà xanh” như thế nào mới đúng?
Chè xanh là cách pha trà cổ xưa nhất còn lưu truyền tại Việt Nam, chỉ đơn giản là hái lá chè tươi, hãm và uống. Vì không trải qua quá trình chế biến nên trà tươi có vị chát, thường dùng để giải khát.
Trà xanh được chế biến từ búp và lá trà (chè) tươi. Trải qua chế biến, bạn sẽ thu được những loại trà xanh khác nhau dựa trên nguồn gốc của lá chè thu hoạch, cách vò lá chè và các nguyên liệu ướp hương.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện về trà xanh: từ cách chúng ta làm ra trà cho đến cách thưởng thức trà.
Trà Xanh Là Gì?
Trà xanh là một sản phẩm được chế biến từ lá của cây chè (tên khoa học: Camellia sinensis). Lá trà xanh không trải qua quá trình oxy hóa, nên nó giữ lại nhiều thành phần tự nhiên hơn so với các sản phẩm khác.
Đánh giá hình thức bên ngoài, cánh trà xanh khô có lớp nhung mỏng lộ ra, búp sắc nét. Trà xanh cho ra nước trà màu xanh hoặc vàng, vị chát. Nó có mùi cháy nếu là trà xào, hoặc mùi lúa non nếu là trà hấp.
Tác Dụng Của Trà Xanh
Uống trà xanh mang đến cho bạn cả lợi ích sức khỏe, sắc đẹp, và tinh thần. Nhưng trước hết, chúng ta tìm đến trà bởi hương vị quyến rũ không thể cưỡng lại được.
Qua ngụm nước ánh màu xanh trong vắt đựng trong chiếc chén sứ tráng men ngà, bạn có thể thưởng ngoạn đồng thời vị ngọt hiền hậu ung dung của đồng nội, chất chát thâm trầm của bàn tay người hái trà, và mùi hương thanh khiết lâng lâng của gió mùa xuân.
Mỗi loại trà đều có cá tính riêng về hương, vị, và màu sắc. Sự thay đổi của ba yếu tố trên phụ thuộc vào thành phần của từng loại trà.
Từ biểu đồ trên, bạn có thể thấy thành phần flavonoid/tanin trong trà xanh cao hơn hai loại trà còn lại. Mặt khác, caffeine trong trà xanh chiếm hàm lượng thấp nhất.
Lợi Ích Sức Khỏe
Trà xanh là một loại nước giải khát không cồn. Tuy nhiên, nó chứa caffeine kích thích cơ bắp và bộ não con người để chịu đựng hoạt động cường độ cao.
Bên cạnh đó, flavonoid là một chất chống oxy hóa trực tiếp. Nó hỗ trợ điều trị ung thư, chống viêm, và bảo vệ hệ thống thần kinh. Trà xanh chứa hàm lượng flavonoid cao nhất, đủ cho thấy vai trò của nó đối với sức khỏe con người.
Cây chè là một loại dược liệu lý tưởng bảo vệ sức khỏe nhờ các thành phần dinh dưỡng và dược lý. Nó giúp điều hòa sinh lý của con người, củng cố hệ thống miễn dịch, phòng ngừa bệnh huyết áp cao, ngăn ngừa cholesterol tăng cao, và giảm tốc độ lão hóa.
“Các danh gia đều nhất trí ca ngợi trà là vị thuốc có hiệu năng thuyên giảm mệt nhọc, làm sảng khoái tinh thần, tăng cường thể lực, phục hồi thị lực. Trà không chỉ làm thuốc uống, mà còn dùng để xoa, đặc biệt dưới dạng cao nguyên chữa trị chứng thấp khớp.
Các môn đồ Đạo gia coi trà là một thức trọng yếu của bài thuốc trường sinh bất lão. Các Phật tử thì ai cũng dùng trà để chống lại buồn ngủ những khi tham thiền nhập định.” (Trà thư)
Lợi Ích Sắc Đẹp
Tác giả Linda Gaylard đề cập trong cuốn The Tea Book rằng, các chất chống oxy hóa trong lá chè có tác dụng hỗ trợ thải độc. Đồng thời, nó giúp tái tạo và phục hồi các thành tế bào, bảo vệ da khỏi các phần tử có hại.
Hàm lượng chất chống oxy hóa trong trà xanh được cho là cao hơn so với trà đen và trà Ô Long.
Lợi Ích Tinh Thần
Trà xanh đóng góp một phần nhất định vào giao lưu văn hóa và điều hòa mối quan hệ giữa con người với con người. Người Việt Nam dùng trà xanh làm công cụ ứng xử trong tiếp khách, giao lưu tình cảm, quà tặng biếu xén, cưới xin ma chay, và các lễ hội khác.
Học cách thưởng trà cũng là học cách nuôi dưỡng nhân cách của mình. Trà là một chất dẫn hướng con người đến các chuẩn mực của cuộc sống, để từ đó bạn tìm thấy sự hài hòa giữa nội tâm và ngoại giới.
Khi uống trà, tâm hồn chúng ta trở nên đẹp hơn để hòa nhập với các giá trị thẩm mỹ. Đó là lý do khiến trà có sự liên kết mạnh mẽ với thi ca, thư pháp, hoa pháp, hội họa, và ca múa.
Nguồn tham khảo:
- Cục An Toàn Thực Phẩm
- Sở Y tế Tiền Giang
- Sở Y tế Bắc Giang
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Sự Khác Biệt Giữa Trà Xanh, Trà Đen, Và Trà Thảo Mộc
Bạn có biết trà gừng, trà hoa cúc không cùng loại với trà xanh? Bảng dưới đây liệt kê sự giống và khác nhau về các loại trà phổ biến tại Việt Nam.
Trong đó, trà xanh, trà đen, và Ô Long đều là sản phẩm của cây chè. Mặt khác, trà hoa hay các loại trà rễ cây, trà vỏ cây thuộc về dòng trà thảo mộc.
Tiêu chí | Trà xanh | Trà đen | Trà thảo mộc |
Nguyên liệu | Lá và búp của cây chè (tên khoa học: Camellia sinensis) | Lá và búp của cây chè (tên khoa học: Camellia sinensis) | Rễ, vỏ, hoa, lá, trái và hạt của một số loài thực vật |
Chế biến | 5 bước chế biếnKhông oxy hóa | 5 bước chế biếnOxy hóa hoàn toàn | Sấy tinh hoaKhông oxy hóa |
Hương vị | Vị chát, hương cỏ, hậu bền | Vị dịu, hương trái cây, hậu bền | Thay đổi theo hương vị của nguyên liệu |
Màu nước | Thay đổi từ xanh đến vàng tùy theo mức độ oxy hóa và lên men | Thay đổi từ đỏ nâu đến đỏ trong vắt tùy theo mức độ oxy hóa | Thay đổi theo màu của nguyên liệu |
Hàm lượng caffeine | Ít | Nhiều | Không có |
Từ bảng trên, ta có thể thấy sự khác biệt lớn nhất giữa trà xanh, trà đen, và trà thảo mộc là nguyên liệu và chế biến. Từ đó, chúng dẫn đến những hương vị và màu sắc khác nhau.
Trà xanh chứa nhiều tanin (chất chống oxy hóa) hơn trà đen vì nó không trải qua quá trình oxy hóa. Ngược lại, hàm lượng caffeine trong trà đen cao hơn so với trà xanh.
Trà xanh có vị chát hơn vì nó còn giữ lại nhiều thành phần tự nhiên của lá chè. Nếu bạn thích một vị trà dịu có hương trái cây, hãy thử trà đen.
Bên cạnh hai loại trà trên, trà thảo mộc là một khái niệm hoàn toàn khác. Nó không có cùng nguồn gốc và cách chế biến. Bạn có thể tìm thấy nó với các loại trà phổ biến như trà hoa hồng, trà gừng, trà gạo lứt, hay trà cà phê.
Lịch Sử Và Bản Đồ Trà Xanh Thế Giới
Theo Khoa học Văn hóa Trà Thế giới và Việt Nam, “cây chè có nguồn gốc ở vùng khí hậu gió mùa Đông Nam Á. Bao gồm vùng Tây Nam Trung Quốc, Bắc Myanmar, Bắc Lào, và Bắc Việt Nam hiện nay.”
Ngược dòng thời gian về Trung Hoa xa xưa, cách thức uống trà thời ấy “còn sơ khai lắm”. “Người ta mang lá trà hấp lên rồi cho vào cối giã, làm thành bánh, sau đấy đem nấu với gạo, gừng, vỏ cam, hương liệu, sữa và đôi khi thêm cả hành nữa.” (Trà thư)
Đến năm 801, các nhà sư Nhật Bản mang hạt giống cây chè từ Trung Quốc về quê hương, và nhanh chóng bán các sản phẩm của chè ra nước ngoài.
Nửa thiên niên kỷ sau, nhà Minh sáng tạo ra “trà đen, trà xanh, Ô long vàng, trắng, hắc, ướp hoa”, biến Trung Hoa thành nước độc quyền xuất khẩu trà.
Năm 1560, trà xanh cùng các loại trà khác đến với châu Âu qua hai con đường truyền giáo và thương nghiệp. Ngày nay, trà xanh lưu thông trên toàn thế giới với tổng sản lượng hàng triệu tấn mỗi năm.
Ngày nay, vùng nguyên sản cây chè thường nằm ở các vành đai á nhiệt đới, có nhiệt độ ôn hòa, khí hậu ẩm ướt. Có thể kể đến các vùng chè nổi tiếng thế giới như Assam, Phú Hộ, Kerala, Talawakele, Gruzia, Nagoya, Bogor, Malawi, Chiết Giang, Quảng Đông, và Hồ Bắc.
Lịch Sử Và Bản Đồ Trà Xanh Việt Nam
Vào thế kỷ 18, Lê Quý Đôn đã ghi chép về cây chè vườn hộ gia đình ở Thanh Hóa. Từ đó, ông đưa ra những khái quát về tình hình sản xuất – kinh doanh của nghề chè thủ công thời Lê Sơ (1770-1775).
Trong thời kỳ Pháp thuộc, chè được trồng nhiều ở Phú Thọ và Kon Tum để xuất khẩu. Đến đầu thế kỷ 20, tổng sản lượng trà xuất khẩu của Việt Nam vượt trên 30 nghìn tấn/năm.
Ngày nay, nước ta có 7 vùng trồng trà xanh phổ biến, bao gồm:
- Tây Bắc: Sơn La, Mộc Châu, Hòa Bình
- Đông Bắc: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh
- Việt Bắc – Hoàng Liên Sơn: Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái
- Trung du: Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Nội,…
- Bắc Trung bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh
- Duyên hải – miền Trung: Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng,…
- Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đắc Nông, Lâm Đồng
Trong đó, “Trung du và miền núi phía Bắc chiếm khoảng 70% diện tích cả nước; kế đến là vùng Tây Nguyên với khoảng 19%; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích chè chiếm 7,0% và cuối cùng là khu vực đồng bằng Bắc bộ chiếm 4,0%.” (Theo công bố của Bộ Công Thương Việt Nam ngày 15/01/2020).
Trà đen xuất khẩu sang thị trường Tây Âu, trong khi trà xanh được ưa chuộng ở Bắc Phi. Trà khô của Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng không thua kém các sản phẩm của Trung Quốc, Ấn Độ và Sri Lanka.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu của ngành chè Việt Nam năm 2020 ước đạt 134.964 tấn. Trong đó, trà xanh chiếm 48% tổng sản lượng xuất khẩu.
Việt Nam hiện xuất khẩu trà xanh sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Pakistan, Đài Loan, Nga, Trung Quốc, và Mỹ tiếp tục là 5 thị trường trọng điểm của chè Việt.
Từ số liệu trên, bạn có thể thấy trà xanh phủ màu rộng khắp trong bức tranh ẩm thực của thế giới. Nói cách khác, trà xanh đối với chúng ta không chỉ là một món đồ uống, mà còn là văn hóa, là nếp sống, là thói quen sinh hoạt hằng ngày.
Các Giống Cây Chè, Trồng Trọt, Và Thu Hoạch
Khoa học hiện đại xếp cây chè vào 4 giống khác nhau.
- Chè Trung Quốc Lá Nhỏ (Camellia Sinensis Var. Bohea)
- Chè Trung Quốc Lá To (Camellia Sinensis Var. Macrophylla)
- Chè Shan (Camellia Sinensis Var. Shan)
- Chè Ấn Độ (Camellia Sinensis Var. Atxamica)
Cây chè Việt Nam chủ yếu thuộc về giống chè Trung Quốc lá to, và chè Shan. Chè Trung Quốc lá to được trồng nhiều ở vùng chè Trung du, trong khi chè Shan sinh trưởng ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Chè Trung Quốc Lá To | Chè Ấn Độ |
Thân gỗ nhỡ cao tới 5m trong điều kiện sinh trưởng tự nhiên. | Thân gỗ, cao từ 6 đến 10 m. |
Lá to trung bình chiều dài 12 – 15cm, chiều rộng 5 – 7cm. Lá màu xanh nhạt, bóng, răng cưa sâu không đều, đầu lá nhọn. Có trung bình 8 – 9 đôi, gân lá rõ. | Lá to và dài 15 – 18cm màu xanh nhạt, đầu lá dài, răng cưa nhỏ và dày. Có khoảng 10 đôi gân lá.Tôm chè có nhiều lông tơ, trắng và mịn trông như tuyết, nên còn gọi là chè tuyết. |
Năng suất cao. Phẩm chất tốt. | Có khả năng thích ứng trong điều kiện ấm ẩm, ở địa hình cao, năng suất cao, phẩm chất thuộc loại tốt nhất. |
Nguyên sản ở Vân Nam, Tứ Xuyên (Trung Quốc). | Nguyên sản ở Vân Nam (Trung Quốc), Bắc Myanmar, và Bắc Việt Nam. |
Kỹ thuật trồng chè bao gồm nhiều khâu như: trồng mới, chăm sóc quản lý đốn chè, thu hoạch chè, và nhiều giai đoạn khác. Mỗi khâu đều có những yêu cầu riêng biệt.
Có một số kỹ thuật trồng cây chè như sau:
- Kỹ thuật trồng chè bằng hạt
- Kỹ thuật trồng chè bằng cành
Sau khi gieo hạt khoảng 2 năm, cây chè cho hoa quả lần thứ nhất. Từ 3 đến 5 năm cây chè được hoàn chỉnh về đặc tính phát dục.
Chè là cây lâu năm có chu kỳ sinh sống rất dài có thể đạt 100 năm hoặc lâu hơn. Hàng năm, cây đều nảy ra những chồi non quanh năm.
Tuy nhiên, thời điểm thu hoạch sẽ khác nhau tùy vào thành phẩm mong muốn. Để chế biến trà xanh Thái Nguyên, người ta thu hoạch lá chè trong bốn mùa vào với tần suất khoảng 1-2 tuần/lần.
Nếu muốn chế biến trà Ô Long thì cần nhiều thời gian hơn giữa mỗi lần thu hoạch, khoảng 45 ngày/lần. Các loại chè đặc sản như Shan Tuyết và Cổ Thụ, mùa thu hoạch tốt nhất là vào thời điểm xuân và thu.
Theo Lục Vũ, vị tông đồ đầu tiên của trà, lá chè chất lượng cao là “phải xoắn lại tựa lông yếm những con bò mộng, lan tỏa như làn sương dâng lên từ vực núi, và cuối cùng sờ vào lá chè ta thấy nó ẩm và dịu như thể mặt đất vừa được tưới mát bởi cơn mưa rào.”
Nguồn tham khảo: Giáo trình cây chè
Chế Biến Trà Xanh
Quy trình chế biến trà xanh được tóm tắt theo sơ đồ sau:
Hái => Làm héo => Vò => Sấy
Để trà không bị oxy hoá thì ngay từ khi búp trà được hái xuống, người ta tiến hành làm rất nhanh công đoạn làm héo. Sau đó, lập tức ngăn chặn quá trình oxy hoá bằng cách xào hoặc hấp.
Nhiệt độ cao sẽ làm các enzyme trong lá trà ngưng hoạt động. Sợi trà xanh được tạo hình bằng cách xoa trên tay, nhấn trên chảo, vò hay lăn, tạo ra rất nhiều hình dạng khác nhau.
Tùy theo những thay đổi trong quy trình chế biến và nguyên liệu, chúng ta sẽ có những loại trà xanh khác nhau. Ví dụ, chúng ta có trà Thái Nguyên, trà Nõn Tôm, trà Ô Long, trà sen, trà sâm dứa, v.v.
Các Cách Phân Loại Trà Xanh
Mỗi một cách chế biến đều mang cá tính riêng, có những nét tinh tế riêng về lối vò, cách ủ lá trà theo bí quyết gia truyền, mà con cháu đời sau mỗi người sẽ nhớ lại và thực hành bằng tài nghệ của chính mình.
Tùy vào giống và chất lượng của nguyên liệu, cũng như sự sáng tạo của quá trình chế biến, chúng ta có nhiều loại trà xanh khác nhau.
*NGUYÊN LIỆU:
- Trà một nõn tôm: Trà xanh thượng hạng.
- Trà một tôm hai lá: Trà xanh loại ngon
- Trà không tôm ba lá: Trà xanh loại thông thường
- Trà buồm: Trà xanh giá rẻ
*CHẾ BIẾN:
- Trà Shan Tuyết và cổ thụ: Chế biến thủ công, đòi hỏi nghệ nhận nhiều kinh nghiệm
- Trà xanh khác: Sử dụng máy móc để sản xuất số lượng lớn.
*ƯỚP HƯƠNG:
- Trà không ướp hương: Không sử dụng hương liệu trong chế biến. Các sản phẩm tiêu biểu: Thái Nguyên, Nõn Tôm, Ô Long, Thiết Quan Âm, v.v.
- Trà ướp hương: Ướp thủ công với hoa tươi. Các sản phẩm tiêu biểu: trà sen, trà lài, trà sâm dứa.
Các Loại Trà Xanh Phổ Biến
Ở Việt Nam, trà xanh thường được gọi theo tên vùng miền sản xuất. Ví dụ, trà Thái Nguyên, trà Bảo Lộc, và trà Phú Thọ.
Nếu xét về nguồn gốc của lá chè được thu hoạch, chúng ta có trà Shan Tuyết, trà Cổ Thụ. Nếu xét về cách vò lá chè, chúng ta có Trà Long Tĩnh, Trà Thiết Quan Âm, Matcha, hay Sencha.
Một số loại trà xanh được ướp thêm hương rất phổ biến tại Miền Nam như trà lài, trà sen, trà sói, trà sâm dứa (gọi theo tên loại cây/ loại hoa được ướp vào trà).
Trà Thái Nguyên
- Chính gốc từ vùng Tân Cương Thái Nguyên
- Thu hái 1 búp 2 lá
- Cánh trà đồng đều, nước trà đẹp
- Thơm mùi cốm, vị chát đượm, ngọt hậu
- Dành cho người sành trà, đặc biệt là người Miền Bắc
Trà Nõn Tôm
- Là loại trà thượng hạng của Tân Cương – Thái Nguyên.
- Sợi trà nhỏ xíu, xoăn, chắc.
- Nước trà xanh, vị chát đậm, hậu ngọt kéo dài.
- Hương thơm cốm non đặc trưng lan toả mạnh mẽ
- Phù hợp tặng những người sành trà, đặc biệt là người miền Bắc bởi hương vị quen thuộc.
Trà Sen
- Loại trà nổi tiếng nhất Việt Nam trong dòng trà ướp hương
- Phổ biến với các thương hiệu Trà Sen Bảo Lộc, Trà Sen Phủ Tây Hồ, Trà Sen Thăng Long
- Màu nước vàng, vị chát nhẹ, mùi thơm nồng nàn
- Dành cho người ưa thích khám phá mùi hương và người mới dùng trà
Trà Lài
- Kỳ công nghệ thuật ướp trà hoa.
- Sự kết hợp độc đáo của Trà Shan Trấn Ninh và những búp hoa lài Hàm Tiếu
- Hương thơm dịu nhẹ, nồng nàn
- Màu nước vàng, vị chát vừa
- Dành cho những người thích khám phá hương vị và người mới dùng trà
Trà Sâm Dứa
- Một sự phá cách trong nghệ thuật ướp trà của Bảo Lộc
- Những búp trà xanh được ướp với lá thơm, lá trà tiên cùng một số loại thảo mộc
- Hương thơm ấn tượng – vừa ngọt, vừa mát
- Dành cho những người thích khám phá mùi hương, phụ nữ và những người mới dùng trà
Trà Shan Tuyết
- Thu hoạch từ lá chè Shan Tuyết của vùng Tây Bắc Việt Nam
- Thu hái 1 búp non trên đầu
- Phẩm chất tốt, nước vàng óng, vị đậm, hương thơm mạnh, hậu ngọt
- Những búp trà săn chắc, trên bề mặt búp phủ một lớp lông tơ óng ánh bạc, phảng phất mùi tươi mới của núi rừng
- Dành cho người sành trà
Trà Cổ Thụ
- Thu hoạch từ những cây trà hàng trăm năm tuổi mọc ở đỉnh núi Tà Xùa – Sơn La
- Là loại trà sạch, hoàn toàn không có sự tác động của con người
- Trà có hương thơm lạ, phảng phất mùi khói bếp, màu nước vàng, sánh như mật ong
- Vị chát đượm, hậu ngọt và bền
- Dành cho người sành trà
Pha Chế, Thưởng Thức Và Bảo Quản Trà Xanh
Có trà ngon trà dở, cũng như có bức tranh đẹp và bức tranh xấu. Cho nên không có sẵn bài bản nào dạy cách pha trà sao cho hoàn hảo.
Theo Trà thư, “có thể phân các môn phái trà theo ba giai đoạn chính: trà đun, trà khuấy và trà hãm. Chúng ta ngày nay thuộc môn phái thứ ba”.
Để có thể pha được một ấm trà chuẩn vị, bạn cần xác định loại hương vị mà bạn muốn đạt được. Mỗi loại trà xanh khác nhau dẫn ra những phẩm chất khác nhau, sẽ được chúng tôi trình bày trong phần chỉ dẫn hương vị dưới đây.
Chỉ Dẫn Hương Vị Theo 7 Loại Trà Xanh Phổ Biến
- Trà Thái Nguyên: hương cốm, vị chát đượm, hậu ngọt lâu
- Trà Nõn Tôm: hương cốm, vị chát đậm, hậu ngọt kéo dài.
- Trà Sen: hương hoa Sen, vị chát thanh, hậu ngọt lâu
- Trà Lài: hương hoa Lài, vị chát thanh, hậu ngọt lâu
- Trà Sâm Dứa: hương cốm, vị chát thanh, hậu ngọt lâu
- Trà Shan Tuyết: hương hoa rừng, vị chát thanh, hậu ngọt lâu
- Trà Cổ Thụ: hương khói, vị chát đượm, hậu ngọt lâu
Tóm Tắt Các Bước Pha Chế Trà Xanh
Nhằm đảm bảo nước trà đạt được hương vị đúng với phẩm chất vốn có của nó, bạn cần biết cách chọn trà ngon. Trà Việt khuyến khích bạn cách pha trà với 7 bước sau đây. Bạn cần có: trà, ấm chén và chuyên trà để bắt đầu.
- Đun nước: Sử dụng nước đóng chai hoặc nước lọc, giữ nhiệt độ trong khoảng 65°C – 75°C.
- Làm nóng ấm chén: Dùng nước sôi để làm nóng ấm trà, chuyên trà, và ly trà.
- Đong trà: Dùng mắt ngắm một lượng trà khoảng 1/5 đến 1/2 ấm trà.
- Đánh thức trà: Rót nước nóng (không phải nước sôi) ngập trà và đổ đi càng nhanh càng tốt. Đây không phải là nước để uống. Nó có tác dụng “đánh thức” để các lá trà bắt đầu nở ra.
- Hãm trà: Đổ nước nóng vào đầy ấm, đậy nắp ấm và hãm trà trong khoảng 10-40 giây tuỳ loại trà. Hãy đảm bảo nhiệt độ nước và thời gian hãm phù hợp với loại trà.
- Rót trà: Sau 10-40 giây, rót hết nước từ ấm trà vào chuyên. Rồi từ chuyên mới rót ra các chén uống trà. Việc sử dụng chuyên trà giúp bạn ngừng ngay quá trình hãm trà trong ấm. Bạn nên rót nhanh và rót hết nước trong ấm ra chuyên.
- Đảm bảo nước trong ấm được rót ra hết, không để nước dư trong ấm.
- Mở nắp ấm sau khi rót trà ra chuyên, để trà không bị “nẫu” vì nhiệt độ cao trong ấm.
- Hãm trà lần tiếp theo: Lặp lại bước 5 và bước 6 cho các lần hãm tiếp theo. Lần hãm sau thường có thời gian lâu hơn so với lần trước đó.
- Nếu nước trà đầu tiên quá nhạt hoặc quá đậm, hãy điều chỉnh thời gian ở lần hãm tiếp theo.
- Nếu trà ngon và pha khéo, bạn có thể lặp lại 5-8 lần hãm trà, trước khi hương vị trở nên quá nhạt.
Cách Bảo Quản
- Bảo quản trà trong một môi trường khô: Hãy tránh xa hơi nước trong không khí, nó làm giảm đáng kể tuổi thọ của trà và phát sinh nấm mốc.
- Tránh xa các mùi mạnh: Trà hấp thụ mùi của bất cứ thứ gì gần nó. Bạn cần để chúng cách xa tủ bếp, tủ đồ ăn, và tủ gia vị.
- Tránh ánh sáng: Ánh sáng mặt trời tạo ra nhiệt, thay đổi những vị ngon tinh tế của trà. Do đó, không đựng trà khô trong hũ thủy tinh màu trong.
- Sắp xếp có tổ chức: Hãy sắp xếp trà theo một hệ thống như mùi vị, vùng miền, hương thơm. Hành động này sẽ giúp bạn xác định đúng loại sản phẩm bạn muốn một cách nhanh chóng.
- Ghi chú thời gian: Hãy ghi chú ngày mua, mùa thu hoạch hay ngày đóng gói để tận hưởng mỗi loại trà trong thời hạn tốt nhất của nó.
- Đừng “để dành”: Vòng đời của trà khá ngắn ngủi (trừ trà Phổ Nhĩ). Thưởng thức nó vào đúng thời điểm nó ngon nhất là cách bạn tận hưởng khôn ngoan.
Nên Làm Và Nên Tránh
Nên làm | Nên tránh |
Pha trà bằng ấm thủy tinh hoặc ấm sứ để phản ánh trung thực mùi và vị của trà | Dùng nước máy và nước khoáng để pha trà |
Nhiệt độ nước trong khoảng 75°C – 98°C | Dùng nước sôi |
Sợi trà nhỏ, mỏng, xốp pha nhiệt độ thấp. Sợi trà lớn, chắc pha nhiệt độ cao | Dùng nước cùng một nhiệt độ để hãm tất cả loại trà |
Tăng lượng trà cho hương vị đậm hơn | Hãm trà quá lâu |
Câu Hỏi Thường Gặp
Chè Và Trà Khác Nhau Như Thế Nào?
Theo từ điển:
- Chè: một giống cây
- Trà: sản phẩm của cây chè
Theo phương ngữ:
- Miền Bắc: dùng từ “chè” để gọi cả cây trồng và sản phẩm
- Miền Nam: dùng từ “chè” để gọi cây, “trà” để gọi sản phẩm
Bảo Quản Trà Xanh Trong Tủ Lạnh Được Không ?
Có thể, miễn là bạn chưa mở túi hút chân không ra. Kinh nghiệm cho thấy môi trường lạnh giúp kéo dài sự tươi mới của trà, tăng tuổi thọ trà lên gấp 3 lần.
Caffeine Trong Trà Xanh Có Nhiều Hơn Trong Cà Phê?
Hàm lượng caffeine trong mỗi trọng lượng trà khô tương tự như trong cà phê. Tuy nhiên, các Tannin trong trà sẽ điều chỉnh và làm chậm quá trình giải phóng caffeine, do đó, cảm giác tỉnh táo kéo dài hơn nhiều.
Caffeine Có Gây Hại Hay Không?
Không gây hại nếu bạn sử dụng liều lượng phù hợp với cơ thể. Người có trọng lượng 50 – 60 kg có thể nạp caffeine với liều lượng là 2000 – 2400 mg/ngày, tương đương với 50 chén trà. (Nguồn: Khoa học Văn hóa Trà Thế giới và Việt Nam)
Uống Trà Xanh Có Giúp Làm Giảm Mỡ Bụng Không?
Catechin có liên quan chặt chẽ đến việc giảm cân, đó là lý do tại sao trà xanh hầu như luôn được coi là loại trà tốt nhất để làm tiêu mỡ bụng.
Uống Trà Xanh Có Mất Ngủ Không?
Uống trà xanh không gây mất ngủ nếu bạn uống nó vào buổi sáng. Cảm giác mất ngủ cũng thay đổi tùy theo thể trạng của từng người.
Bạn có thể kiểm tra khả năng thu nạp của bản thân bằng cách uống trà vào những thời điểm khác nhau với số lượng tăng dần lên. Tức là, khi mới uống trà, bạn có thể thử 1 tách trong một ngày. Khi đã quen với việc uống trà, bạn sẽ biết được thời điểm và liều lượng uống tốt nhất cho bản thân bạn.
Có Thể Uống Trà Xanh Hàng Ngày Không?
Trà xanh thường được coi là loại trà tốt nhất cho sức khỏe, bạn nên uống nó hằng ngày. Nó chứa đầy polyphenol và chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức khỏe của não và tim.
Có Nên Đựng Trà Xanh Trong Hũ Không Đậy Nắp?
Không nên. Sự tiếp xúc với không khí sẽ khiến trà bị thiu, thậm chí bị mốc. Cách an toàn nhất là bạn đựng trà trong một túi nilon, quấn chặt miệng túi trước khi cho vào hũ.
Trà Xanh Và Matcha Có Gì Khác Nhau?
Matcha là một loại trà xanh. Lá chè trong quá trình chế biến được nghiền vụn thành bột. Bột matcha nguyên chất có màu xanh mướt, mịn, tơi, không bị loang lổ vàng – xanh, và không bị bết ẩm.
Matcha mang vị ngọt, mượt mà, mùi thơm dịu nhẹ, không thơm nồng hay hắc. Bạn có thể cảm nhận được chất kem ở hậu vị mà không bất kì loại trà xanh nào có được.
Lời Kết
Trà xanh được duy trì trong thói quen ăn uống của người châu Á dựa trên một nguyên lý rất cơ bản: “một nhóm nhỏ bạn bè gặp nhau trong mấy tiếng đồng hồ, cùng nhau dùng thức ăn nhẹ và thưởng thức vài chén trà.”
Khi thưởng trà, bạn cần chuẩn bị cho mình “một tâm thế hài hòa với khung cảnh, kiềm chế lòng vị kỷ và sự nóng giận”. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể buông mình vào những khoảnh khắc hoàn toàn thư giãn giữa cuộc sống luôn luôn sôi động.
Hãy thử nhấp một ngụm trà xanh, rồi bạn sẽ được “thả hồn mơ về chốn vô thường”. Bên tai như vang lên tiếng “nước róc rách dịu dàng” giữa “ánh dương chiều tà rọi sáng hàng trúc”.
Nguồn tư liệu:
- Khoa Học Văn Hóa Trà Thế Giới Và Việt Nam, tác giả Đỗ Ngọc Quý
- Trà Thư, tác giả Kakuzo Okakura